Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Thu ngân sách nhà nước từ dầu thô đạt hơn 74% dự toán trong 7 tháng

17:23 | 15/08/2024

1,900 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tiền thu sử dụng đất các dự án lớn tăng cao, cùng với thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu đều đạt hơn 70% dự toán đã góp phần nâng thu ngân sách Nhà nước tăng 14,6% so với cùng kỳ trong 7 tháng năm 2024.
Thu ngân sách nhà nước từ dầu thô đạt hơn 74% dự toán trong 7 tháng
Lũy kế 7 tháng năm 2024, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.188 nghìn tỷ đồng. (Ảnh: MPI)

Thu ngân sách Nhà nước 7 tháng đạt gần 70% dự toán

Báo cáo về tình hình thực hiện thu, chi ngân sách Nhà nước của Bộ Tài chính công bố mới đây cho thấy, thu ngân sách Nhà nước tháng 7 ước đạt gần 150 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng năm 2024, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.188 nghìn tỷ đồng, bằng 69,8% dự toán, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, thu nội địa đạt 68,9% dự toán, tăng 15,8%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 77,7% dự toán, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Thu từ dầu thô đạt 74,7% dự toán. Giá dầu thanh toán bình quân 7 tháng đạt khoảng 88 USD/thùng, tăng 18 USD/thùng so giá dự toán, bằng 102,3% so với cùng kỳ; sản lượng dầu thô thanh toán đạt khoảng 4,7 triệu tấn, bằng 56,5% kế hoạch.

Tiền thu sử dụng đất ước đạt 46,9% dự toán, song vẫn tăng 90,6% so với cùng kỳ, trong đó một số địa phương đã tổ chức tốt công tác đấu giá đất, giao đất cho các dự án từ cuối năm 2023 phát sinh số nộp tiền sử dụng đất đầu năm 2024, như: Dự án Vinhome Vũ Yên (Hải Phòng) khoảng 5.600 tỷ đồng; Dự án EcoPark (Nghệ An) khoảng 1.000 tỷ đồng; Dự án của Công ty TNHH đầu tư Bạch Đằng (Hải Phòng) khoảng 1.200 tỷ đồng; Dự án Phố Mới (Hưng Yên) khoảng 700 tỷ đồng; Dự án khu dân cư Mai Bá Hương (Long An) khoảng 970 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị mới Bắc Cầu Hàn giai đoạn 1 (Hải Dương) khoảng 450 tỷ đồng...

Thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhận sau thuế, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước ước đạt 97,1% dự toán, tăng 1,8% so cùng kỳ, chủ yếu nhờ tăng thu chênh lệch thu chi.

Thu hồi vốn ngân sách Nhà nước đầu tư tại các tổ chức kinh tế ước đạt 442% dự toán, do tăng thu các khoản thu hồi vốn tại các doanh nghiệp địa phương cổ phần hóa từ các năm trước.

Các khoản thu nội địa còn lại ước đạt 69,6% dự toán, tăng 10% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh (chiếm 50,9% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 67,9% dự toán, tăng 7,5% so cùng kỳ, không kể yếu tố chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế thì xấp xỉ số thu cùng kỳ.

Riêng thuế thu nhập doanh nghiệp (chiếm khoảng 49% tổng số thu từ khu vực sản xuất - kinh doanh), tính đến cuối tháng 7/2024, các doanh nghiệp đã tạm nộp 4/5 kỳ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (quý IV/2023, kỳ quyết toán năm 2023 và kỳ tạm nộp quý I, quý II/2024).

Thu thuế thu nhập cá nhân đạt 72,1% dự toán, tăng 15,1% so cùng kỳ, chủ yếu do tăng thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, tăng khoảng 65% và thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng chứng khoán, tăng khoảng 32,6%.

Bên cạnh đó, một số khoản thu có tiến độ thu đạt khá trên 60% dự toán, gồm: Thuế bảo vệ môi trường ước đạt 62,7% dự toán, tăng 13,8%; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ước đạt 192,9% dự toán; thu khác ngân sách đạt 81,5% dự toán.

Về số thu trên địa bàn, ước tính có 26/63 địa phương thực hiện thu nội địa 7 tháng ước đạt trên 65% dự toán; 52/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ.

Thu ngân sách nhà nước từ dầu thô đạt hơn 74% dự toán trong 7 tháng
Nguồn: Bộ Tài chính.

Cân đối ngân sách được đảm bảo

Ở chiều ngược lại, chi ngân sách Nhà nước tháng 7 ước đạt 152,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 7 tháng đạt 948,3 nghìn tỷ đồng, bằng 44,7% dự toán, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 34,3% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 34,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm 8,4% so cùng kỳ; chi trả nợ lãi ước đạt 56,5% dự toán, tăng 7,7% so cùng kỳ; chi thường xuyên ước đạt 51,8% dự toán, tăng 3,7% so cùng kỳ.

Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 7 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán, đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, chi trả nợ, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hoạt động của bộ máy nhà nước.

Đồng thời, chi ngân sách thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ từ ngày 01/7/2024 đã tăng lương tối thiểu (từ 1.800.000 đồng/tháng lên 2.340.000 đồng/tháng).

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp gần 16,3 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.

Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2024 Thủ tướng Chính phủ đã giao khoảng 669,3 nghìn tỷ đồng. Các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương tăng thêm từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương,… khoảng 51,1 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của 42/44 bộ, cơ quan trung ương và 63/63 địa phương. Tổng số kế hoạch vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ chi tiết bằng 104,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không kể kế hoạch vốn các địa phương giao tăng thêm, thì đạt 97,6%).

Hiện ngân sách còn gần 21,1 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn chưa phân bổ chi tiết của 19 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương, chiếm 3,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn ngân sách trung ương là 8,6 nghìn tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 12,6 nghìn tỷ đồng. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo.

Tính đến ngày 25/7/2024, đã thực hiện phát hành gần 188 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 10,9 năm, lãi suất bình quân 2,4 %/năm.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung 7 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 301,5 nghìn tỷ đồng, bằng 40,6% kế hoạch năm và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý ước đạt 51,9 nghìn tỷ đồng, bằng 44,9% kế hoạch năm và giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước: Bộ Giao thông Vận tải đạt 31,8 nghìn tỷ đồng, giảm 20,9%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 5,1 nghìn tỷ đồng, tăng 37,6%; Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 503,3 tỷ đồng, tăng 6,6%; Bộ Y tế đạt 483,6 tỷ đồng, tăng 19,5%; Bộ Tài nguyên và Môi trường đạt 324,5 tỷ đồng, giảm 38,9 %; Bộ Công Thương đạt 302,5 tỷ đồng, tăng 10,3%.

Phương Thảo