“Cơn khát” ngũ cốc ở Trung Quốc suy giảm khiến nông dân toàn cầu “lao đao”
Căng thẳng đã xuất hiện ở hầu khắp các thị trường toàn cầu. Xuất khẩu lúa mạch của Pháp sang Trung Quốc đã giảm mạnh. Hoa Kỳ vẫn chưa bán hết lượng ngô trước mùa vụ mới. Những người nông dân trồng lúa mì ở Úc lo lắng khi họ chuẩn bị bắt đầu thu hoạch vụ mùa mới trong những tuần tới.
Không có dấu hiệu gì cho thấy điều này sẽ sớm thay đổi. Cùng với đó, sự kết hợp giữa dân số già hóa và nền kinh tế đang "nguội lạnh" báo hiệu điềm xấu cho tương lai. Các thương nhân và nông dân sẽ phải bắt đầu điều chỉnh theo triển vọng nhu cầu rất khác. Ngay cả khi những lo ngại về an ninh lương thực vẫn duy trì nhập khẩu mạnh mẽ trong nhiều năm tới, thì sự tăng trưởng nhanh chóng trong 2 thập kỷ qua có thể đã kết thúc.
Kho ngũ cốc lúa mạch đen của một trang trại ở Ba Lan. |
“Mọi người đang trở nên bi quan hơn về nền kinh tế và nhu cầu”, Ivy Li, một nhà phân tích thị trường hàng hóa tại StoneX có trụ sở tại Thượng Hải cho biết. “Các nhà nhập khẩu sẽ rất thận trọng, mua chậm hơn và theo cách “được ngày nào, xào ngày ấy”. Do sự sụp đổ lòng tin đang diễn ra khắp nơi”.
Bắc Kinh đã có những bước đi nhằm bảo vệ nông dân, yêu cầu các thương nhân hạn chế mua ngô, lúa mạch và hạt cao lương từ nước ngoài - một nỗ lực nhằm giảm bớt tình trạng cung vượt cầu trầm trọng do cơn sốt mua hàng hồi đầu năm, khi các thương nhân “ôm” các lô hàng giá rẻ từ nước ngoài. Cuối cùng, những lô hàng này đã đổ về các cảng của Trung Quốc đúng lúc nhu cầu tiêu thụ giảm. Quốc gia này cũng đã có động thái giảm sử dụng bột đậu nành trong thức ăn chăn nuôi.
Sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc vào đầu thế kỷ đã biến quốc gia này thành một cường quốc tiêu thụ hàng hóa từ ngũ cốc đến kim loại và dầu mỏ, và khiến các quốc gia tăng cường sản lượng để đáp ứng nhu cầu tăng vọt. Ngành nông nghiệp của Trung Quốc tương đối mạnh, nhưng nhu cầu từ 1,4 tỷ dân đã khiến nước này trở thành nước nhập khẩu đậu nành kỷ lục trong nhiều năm và gần đây là một nước lớn nhập khẩu lúa mì.
Đối với mùa vụ bắt đầu vào tháng 9, Hoa Kỳ chỉ bán được 13.400 tấn ngô cho Trung Quốc, so với hơn 564.000 tấn một năm trước đó, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Trong suốt giai đoạn 2023-2024, lượng xuất khẩu đã giảm 63%. Lượng hàng xuất khẩu từ Brazil cũng giảm.
Lượng lúa mạch xuất khẩu của Pháp - bao gồm cả mạch nha dùng để làm bia - đang giảm gần 50% trong mùa vụ này từ cảng Rouen so với một năm trước. Đoàn công nghiệp Intercereales đã cử một phái đoàn đến Trung Quốc để tìm hiểu về quy định gần đây của chính quyền nhằm hạn chế nhập khẩu.
Philippe Heusele, Chủ tịch quan hệ quốc tế của Intercereales, cho biết: “Chúng tôi đang bị “tê liệt” trong kinh doanh”.
Mặt hàng chủ chốt mà Trung Quốc sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu là đậu nành, với Brazil và Hoa Kỳ là những nước hưởng lợi lớn từ hoạt động thương mại này. Sản lượng trong nước của Trung Quốc không đáp ứng được nhu cầu, ngay cả khi nhu cầu đã chậm lại.
Brazil đã chứng kiến lượng xuất khẩu kỷ lục sang Trung Quốc vào đầu năm nay nhờ giá đậu nành rẻ hơn, được sử dụng để làm dầu ăn và thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, cho đến nay Hoa Kỳ đã bán được ít hơn 5 triệu tấn đậu nành cho Trung Quốc trong mùa vụ 2024-2025 - mức thấp nhất trong 16 năm (không tính đến cuộc chiến thương mại 2018-2019) và giảm 25% so với một năm trước.
“Nhu cầu của Trung Quốc không còn mạnh như trước đây nữa”, Paulo Sousa, Chủ tịch Cargill Inc. tại Brazil cho biết. “Chúng tôi không thấy sự tăng trưởng đáng kể như những năm trước”.
Nông dân không phải là những người duy nhất gặp khó khăn, khi lợi nhuận của các doanh nghiệp dịch vụ ăn uống lớn ở Bắc Kinh đã giảm 88% trong nửa đầu năm do người tiêu dùng trở nên tiết kiệm hơn.
Triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc vẫn ảm đạm, với tình trạng giảm phát có dấu hiệu tăng vọt và mục tiêu tăng trưởng hàng năm của quốc gia này trong năm nay có vẻ ngày càng “xa tầm với”. Ngành nông nghiệp Trung Quốc đang bắt đầu tính toán về lượng nhập khẩu trong năm 2024-2025.
Theo một số thương nhân Trung Quốc, lượng ngô xuất khẩu có thể giảm hơn một nửa xuống còn 9 - 11 triệu tấn, trong khi lượng lúa mì nhập khẩu có thể giảm xuống còn khoảng 7 - 9 triệu tấn - giảm so với mức 13 triệu tấn trong năm 2023-2024.
Bắc Kinh "đã tuyên bố đầu mục tiêu năm nay của họ là cải thiện thu nhập cho các nhà sản xuất ngũ cốc Trung Quốc và thúc đẩy hiệu quả trong nông nghiệp, điều này ngụ ý rằng Trung Quốc sẽ giám sát chặt chẽ hơn đối với hàng nhập khẩu trong tương lai", Tanner Ehmke, nhà kinh tế trưởng về ngũ cốc và hạt có dầu tại CoBank cho biết. "Nhưng cũng có thể là mối lo ngại về nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc".
Trung Quốc là nước mua lúa mì lớn nhất của Úc trong vài năm qua. Giờ là lúc những người nông dân đang tìm kiếm các thị trường khác.
Nông dân Andrew Weidemann thường vận chuyển khoảng 1/5 lượng ngũ cốc của mình đến Trung Quốc. Ông dự kiến khối lượng đó sẽ giảm một nửa. "Bất cứ điều gì xảy ra ở Trung Quốc đều sẽ có tác động rất lớn đến thị trường thế giới", Weidemann, người điều hành một trang trại rộng 4.000 ha ở trung tâm Victoria, phía đông nam Úc, cho biết.
Trong khi nông dân và thương nhân nước ngoài có thể bị giảm lợi nhuận, thì điều tích cực đối với người tiêu dùng toàn cầu là ngũ cốc rẻ hơn có thể làm giảm áp lực lên lạm phát lương thực tăng vọt sau cuộc xung đột ở Ukraine.
D.Q
Bloomberg
-
Trung Quốc nới lỏng hạn chế mua nhà, giá sắt thép tăng vọt
-
Xuất khẩu tôm hùm, cua, ốc, ngêu sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng đột phá
-
Tin tức kinh tế ngày 16/9: Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cao nhất trong 12 năm
-
Tin tức kinh tế ngày 5/9: Giá USD "chạm đáy" 6 tháng
-
Trung Quốc chuyển hướng nhập khẩu hải sản sau lệnh cấm với Nhật Bản
-
Tin tức kinh tế ngày 8/10: Giá thép xây dựng tăng liên tiếp
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: GRDP 9 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh
-
ADB: Ngành công nghiệp sáng tạo kỹ thuật số sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở châu Á và Thái Bình Dương
-
Giá dầu hôm nay (8/10): Dầu thô giảm trong phiên
-
Giá vàng hôm nay (8/10): Thị trường trong nước và thế giới trái chiều